Theo bản dịch từ phiến đá, trong hang ma Ba Tổng,
người ta chôn 421 kg vàng bên cạnh chiếc quan tài của một người họ Lãng.
Để giữ vàng, họ tuẫn táng một trinh nữ đã được ngậm sâm.
Tuẫn táng trinh nữ giữ vàng
Sau khi mục sở thị chiếc quan tài không đáy dưới hang ma Ba Tổng, lượng pin cũng sắp hết, ông Nghìn giục tôi trở ra vì không khí đã loãng không thể ở lại lâu. Trở lại cửa hang, gió vẫn hun hút cuộn sâu vào trong. Ngồi nghỉ trên sườn đá, ông Nghìn chợt nhớ từng nghe các cụ trong bản nói gần 30 năm trước có một nhóm 5 người vào hang tìm vàng dưới quan tài không đáy.
Trong số 5 người từng tham gia đào vàng thì duy chỉ còn ông Hoàng Văn Luật (60 tuổi) ở lại bản, những người còn lại đều di chuyển đi nơi khác. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, ông Nghìn dẫn tôi đi tìm già làng này.
Ngôi nhà sàn của ông Luật nằm sâu trong bản Hợp Thành, xung quanh đều là rừng cây vách đá. Một người con gái của ông Luật cho biết ông đi vắng và chưa biết khi nào về. Trong khi chờ đợi nhân chứng sống về hang ma Ba Tổng và bí mật đằng sau bản gia phả bằng đá dưới quan tài không đáy, ông Nghìn cũng tiết lộ về cách tuẫn táng giữ vàng của người Hoa.
Chiếc bát gốm được tráng men, họa tiết cánh sen và có chữ phúc ở giữa được tìm thấy dưới chân chiếc quan tài không đáy.
“Các cụ trong làng kể lại rằng, người được an táng trong quan tài gỗ là một vị quan người Hoa rất giàu có. Khi vị quan mất, người thân an táng kèm theo một số tài sản khổng lồ bằng vàng bạc châu báu.
Để trấn yểm gìn giữ số tài sản trên, họ đã tuẫn táng một cô gái trinh tiết khoảng 15 tuổi đã được cho ngậm sâm và trói chặt bên cạnh chiếc quan tài. Việc cho thiếu nữ ngậm sâm được giải thích rằng đó là để kéo dài thời gian đau đớn khiến linh hồn của cô gái đó không được siêu thoát, sẽ mãi mãi ở lại và bảo vệ tài sản của thân chủ. Ngoài thiếu nữ, toàn bộ người hầu làm nhiệm vụ vận chuyển áo quan và số vàng bạc cũng bị tuẫn táng theo nhằm giữ bí mật”.
Đào thấy vàng dưới quan tài không đáy
Câu chuyện về hang ma Ba Tổng, nơi tuẫn táng thiếu nữ trinh tiết và nhiều người hầu vừa dứt cũng là lúc ông Luật đi hái cây thuốc về tới ngõ khi trời đã nhá nhem tối. Trong gian giữa ngôi nhà sàn khang trang của mình, ông Luật ngồi rít khành khạch một hơi thuốc lào bằng chiếc điếu bát và chậm rãi nhớ lại những lần vào hang đào vàng cùng với 4 chiến hữu khác.
Ông Luật cho biết bốn người khác cùng tham gia vào hang hồi đó gồm ông Tỵ, ông Thượng, ông Nam và ông Thụ. Cuối năm 1985, cả nhóm bàn bạc và tiến hành vào hang với hy vọng tìm được kho báu. Để thuận lợi, họ chuẩn bị thang, dây thừng, cuốc, xẻng và đuốc dầu. Chọn ngày tốt lành, 5 người đốt năm ngọn đuốc và đu dây vào hang ma Ba Tổng.
Ông Nghìn (trái ảnh) kể lại về phong tục tuẫn táng trinh nữ giữ vàng dưới hang ma
“Lúc đó, rừng rậm hoang sơ, hang đá tối đen như mực. Tất cả mọi người đều lo lắng trong hang có hùm beo hoặc rắn độc nên tập trung 5 ngọn đuốc thành một ngọn lửa lớn. Bước đi dưới lòng hang chỉ có tiếng tí tách của những giọt nước từ trên đỉnh rơi xuống vách đá, ngọn đuốc dẫn lối chúng tôi một đoạn xa xa, cả nhóm đứng sững trước ngã rẽ.
Mọi người nhất trí cùng nhau di chuyển theo hướng bên tay phải chừng vài mét thì thấy một cái hòm bằng thân gỗ nguyên khối có hình thù kỳ quặc gác trên hốc đá, phía dưới còn có 4 chân chống đỡ. Mọi người xì xào bàn tán xem đó là cái gì. Có người đoán đó là rương đựng vàng bạc châu báu, còn người khác nghi ngờ đó là chiếc quan tài", ông Luật kể.
Để kiểm chứng, cả 5 người cùng tới cạy nắp xem. Tuy nhiên chiếc hòm rất nặng và đặt ở vị trí hiểm trở, phải mất nhiều thời gian và công sức cả 5 người mới bật được nắp lên. Bên trong không có vật gì giá trị ngoài mấy mẩu xương sọ đã vụn.
Tôi sờ và miết thì nó nhuyễn thành bột màu xám trắng. Lúc bấy giờ tất cả mới tin đó là chiếc quan tài chôn người thật. Để tránh điềm dữ xảy ra, cả nhóm chúng tôi đậy nắp trở lại như cũ và thắp nén hương trên vách rồi trở ra khỏi hang”.
Ông Hoàng Văn Luật, một trong năm người tìm thấy vàng dưới hang ma Ba Tổng.
Ngay lập tức 5 ngọn đuốc được tản ra tìm kiếm xung quanh nhưng đều không có gì ngoài lớp đất mùn đen. Trở ra khỏi hang với phiến đá khắc chữ lạ, ông Nam mang phiến đá đi nhờ các thầy tào trong bản nhưng không ai dịch được trong đó viết gì. Sau đó ông Nam nhờ một người mang lên cửa khẩu ở Lạng Sơn thuê người dịch mới biết chữ khắc trên phiến đá là chữ Hán viết ngược.
Bản dịch không đầy đủ vì nhiều chữ đã bị mòn không rõ nghĩa nhưng nội dung chính cho biết nơi đây chôn 421 kg vàng theo người quá cố họ Lãng và là nơi giấu một bức tượng cổ cho thần núi nhưng không rõ là bằng đồng đen hay vàng bạc.
Theo thông tin bản dịch, cả 5 người tiếp tục đốt đuốc vào hang lần hai tìm vàng. Theo chỉ dẫn của phiến đá, từ ngã ba gần chiếc quan tài không đáy rẽ trái 5 thắt lưng là một ngõ cụt, nơi chôn kho báu. Một người cầm đuốc soi, những người còn lại thay nhau dùng xẻng đào đất. Đào sâu khoảng 40 cm thì phát hiện một túi thổ cẩm màu sắc sặc sỡ to cỡ một bàn tay. Lúc giơ sát vào ngọn lửa, túi thổ cẩm bị sun lại nhưng không cháy, bên trong đựng hai miếng vàng bằng ngón tay nhưng được dát mỏng khoảng vài chỉ.
Tiếp tục đào mở rộng xung quanh nhưng không phát hiện bất cứ một vật gì khác, một thành viên trong nhóm cho rằng, số vàng trên chỉ là phần cho thần giữ của trong hang không nên lấy. Tất cả nghe theo chôn túi thổ cẩm đúng vị trí cũ. Mọi hy vọng được đổ dồn về hốc đá phía sau chiếc quan tài không đáy, nơi được chỉ dẫn cất giấu bức tượng cổ. Leo lên hơn 2 tầm người lớn thì hốc rộng ngang, ông Thụ rọi đuốc vào trong chỉ thấy một bát gốm có chân hương và nhiều vết vàng ố xung quanh.
Thất vọng trở ra, cả nhóm tìm đến một thầy tào có tiếng trong vùng kể về mọi chuyện sau hai lần vào hang. Thầy tào cho biết nếu nội dung đúng như trên phiến đá thì rất có thể con cháu vị quan họ Lãng đã tới đưa hài cốt và tài sản đi, bỏ lại số vàng lẻ cho thần giữ của, nữ tướng trông coi. Để đưa được chiếc quan tài và số vàng bạc châu báu đó xuống hang không phải đơn giản vì người bình thường cũng chật vật mới xuống được dưới đó.
Nghe vậy, cả nhóm quyết định không vào hang thêm lần nào nữa. Những câu chuyện liên quan được người dân đồn thổi khiến hang ma Ba Tổng trở thành vùng cấm địa của người dân La Trí ở bản Hợp Thành.
Ông Trần Tiến Lâm, Chủ tịch xã Phượng Tiến cho biết: “Thông tin về chiếc quan tài trong hang đá trên núi Ba Tổng là có thật. Những câu chuyện liên quan thì cũng chỉ nghe các già làng nói lại. Vị trí hang đá nằm trên đỉnh núi rất hiểm trở. Mấy năm trước PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học, Viện khảo cổ học Việt Nam cùng một số đồng nghiệp đã lên hang khám phá và nghiên cứu. Theo thông tin từ nhà khảo cổ Trình Năng Chung, kích thước chiếc quan tài có độ dài 2,8 m; độ dài khoét lòng 2,2 m; đường kính 0,54 m; đường kính khoét lòng 0,4 m được đặt trên vách đá cao 0,8 m.
Bên trong chiếc quan tài đã bị thủng đáy, toàn bộ hài cốt và đồ tùy táng bị rơi xuống dưới. Dưới chân chiếc quan tài, đoàn khảo cổ cũng phát hiện được một số mẩu xương sọ đã mục. Hai chiếc bát gốm có niên đại khoảng thế kỷ XV thuộc dòng gốm Chu Đậu, Hải Dương được tráng men màu lam với họa tiết cánh sen, ở giữa lòng bát có chữ phúc viết bằng chữ Hán. Còn trên vách đá ở phía sau có hai chữ “Thập Thiên” rất lớn nhưng chưa thể giải thích được có ý nghĩa gì với chiếc quan tài và người được an táng ở đây. Phía dưới chân vách đá có vết đào bới rất rõ rệt”.
NET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét