Trong khi đó, ngành y tế một quốc gia khó có thể thống kê chính xác bao nhiêu người mắc căn bệnh này.
Nhiều người cũng hoang mang tự hỏi mình có bị
trầm cảm không khi rơi vào trạng thái buồn chán, lo lắng... Một số dấu
hiệu sau có thể giúp bạn nhận ra nguy cơ bị trầm cảm để tìm gặp bác sĩ
sớm và có liệu pháp điều trị.
Rối loạn giấc ngủ
Trầm cảm là một bệnh tâm thần, nhưng có thể ảnh
hưởng đến cơ thể cũng như tâm trí bạn. Rối loạn giấc ngủ có thể là triệu
chứng của bệnh trầm cảm. Khó dỗ giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ
thường gặp ở những người trầm cảm. Nhưng một số người bị trầm cảm có thể
buồn ngủ và ngủ quá nhiều.
Đau ngực
Đau ngực có thể là một dấu hiệu của bệnh tim hay
phổi. Nếu bạn bị đau ngực, nên đến bác sĩ khám để loại trừ các nguyên
nhân nặng.
Nhưng đôi khi đau ngực có thể là một dấu hiệu của trầm cảm.
Ngoài ra còn có một mối liên hệ giữa trầm cảm và bệnh tim. Trầm cảm có
thể làm tăng nguy cơ bệnh tim. Thêm vào đó, những người đã có cơn đau
tim nhiều khả năng bị trầm cảm.
Mệt mỏi và kiệt sức
Nếu thấy kiệt sức và không có năng lượng cho
công việc hằng ngày - ngay cả khi bạn đã ngủ hoặc nghỉ ngơi rất nhiều,
đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị trầm cảm. Trầm cảm và mệt
mỏi có thể tương tác lẫn nhau, cùng có xu hướng làm cả hai tình trạng
này tồi tệ hơn.
Đau nhức cơ và khớp
Đau và trầm cảm có liên quan chặt chẽ với nhau.
Sống chung với đau mãn tính có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm. Và trầm
cảm tự nó có thể gây đau vì hai tình trạng này có cùng chất dẫn truyền
hóa học đến não bộ.
Rối loạn tiêu hóa
Não và hệ tiêu hóa của chúng ta liên kết chặt
chẽ, đó là lý do tại sao nhiều người bị đau dạ dày hoặc buồn nôn khi bị
căng thẳng hoặc lo lắng. Trầm cảm có thể gây ra triệu chứng buồn nôn,
khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón.
Đau đầu
Người bị trầm cảm thường than phiền bị đau đầu
mãn tính. Một nghiên cứu cho thấy những người trầm cảm nặng có gấp ba
lần khả năng bị chứng đau nửa đầu, và những người có chứng đau nửa đầu
có gấp năm lần khả năng bị trầm cảm.
Thay đổi sự ngon miệng hay cân nặng
Một số người mất cảm giác ngon miệng khi cảm
thấy chán nản. Những người khác lại ăn uống liên tục khi buồn, giúp họ
giảm thất vọng hay đau khổ. Kết quả có thể tăng hoặc giảm cân và thiếu
năng lượng. Trầm cảm có liên quan đến rối loạn ăn uống như chứng háu ăn,
biếng ăn hoặc ăn uống chè chén say sưa. Đặc biệt, có mối liên hệ giữa
trầm cảm và chán ăn hoặc ăn vô độ ở phụ nữ.
Đau lưng
Đau lưng mãn tính có thể gây trầm cảm, ngược lại
trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng. Những
người đang chán nản tăng gấp bốn lần khả năng phát triển đau lưng hay
đau cổ dữ dội đến mức không thể cử động được.
Kích thích và tình trạng không yên
Khó chịu và bồn chồn có thể liên quan đến rối
loạn giấc ngủ hoặc các triệu chứng khác của bệnh trầm cảm. Trầm cảm làm
tăng nguy cơ của lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện, càng góp phần gây
kích thích và bồn chồn. Đàn ông thường bị kích thích nhiều hơn phụ nữ
khi họ chán nản.
Rối loạn tình dục
Nếu chán nản, đặc biệt là trầm cảm nặng, bạn có
thể mất sự quan tâm đến quan hệ tình dục. Những người bị trầm cảm lại có
nhiều khả năng sử dụng rượu và ma túy, cả hai đều làm giảm ham muốn
tình dục.
Tập thể dục thường xuyên
Một chương trình tập thể dục thường xuyên không
chỉ giúp bạn khỏe mạnh mà còn giúp phóng thích các hóa chất dẫn truyền
trong não, làm bạn cảm thấy cải thiện tâm trạng, giảm đau. Tuy chỉ tập
thể dục sẽ không chữa khỏi bệnh trầm cảm, nhưng có thể giúp làm giảm
trầm cảm trong thời gian dài.
Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ ước tính 2%
của toàn bộ dân số trưởng thành ở Mỹ có các triệu chứng trầm cảm nặng.
Trong khi đó, National Institute for Health and Clinical Excellence
(NICE) ước tính ở Vương quốc Anh, cứ trong 1.000 người có 21 người từ
16-65 tuổi sống với trầm cảm nặng. Ở Úc chỉ có 1 trong mỗi 5 người bị
trầm cảm được chẩn đoán chính xác, “bởi vì trầm cảm có thể bị che khuất
dưới một căn bệnh thể chất như đau mãn tính, mất ngủ hoặc mệt mỏi”...
BS PHAN MỸ HẠNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét