Tại xe hủ tíu gõ trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.8, Q.5, TP.HCM của chị Nguyễn Thị Thư, có năm cái bàn nhựa được bày biện sẵn chanh ớt, nước tương nhưng không một bóng khách.
Chị ngao ngán: “Từ lúc có tin đồn hủ tíu gõ nấu thịt chuột thì tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ 20 ký xương, giò, thịt nạc bán mỗi ngày, giờ chỉ bán được phân nửa, rồi hủ tíu, mì cũng bị giảm theo”.
Ông Lành vớt mía lau chứng minh.
|
Chị Thư kể, rời quê (xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vào Sài Gòn phụ người anh bán hủ tíu gõ, dần dần chị học được nghề nên anh cho ra bán riêng, đến nay cũng được 20 năm. Chị dọn ra bán từ chiều đến nửa đêm, dọn dẹp xong là 2 giờ sáng. Chợp mắt được một chút đến 5 giờ sáng thì phải dậy đi chợ sớm để lựa nguyên liệu tươi, ngon về nấu.
Để có nước lèo ngon ngọt, chị cho vào nồi tất cả xương và thịt nạc, sau đó vớt thịt và xương giò để riêng ra bán, riêng phần xương sống để hầm luôn trong nồi cho ra hết vị ngọt. Ngoài ra, chị còn thêm củ cải trắng và đường phèn cho nước lèo có vị ngọt thanh. Chị phân trần: “Bắt chuột chi cho cực, trong khi xương sống heo chỉ 30.000 đồng/ký”.
Một người đàn ông cầm bịch mì gói và cái ca nhựa cùng 3.000 đồng nhờ chị Thư nấu giúp gói mì. Chị nhận gói mì và cái ca nhưng từ chối nhận tiền vì “nước lèo bán không hết cũng đổ bỏ”.
Nấu xong gói mì, chị với tay lấy bịch hẹ và hành lá đã cắt sẵn, phân trần tiếp: “Đúng ra hủ tíu gõ không xài hành lá, nhưng vì tin đồn do nấu bằng trùn chỉ nên không có hành lá, vậy là phải bỏ thêm hành vô để chứng minh mình không nấu trùn chỉ!”
Cách đó không xa, cũng trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng thuộc địa bàn P.3, Q.10 là xe hủ tíu gõ của ông Phạm Lành. Cách đây 23 năm, ông Lành rời quê (xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vào Sài Gòn kiếm sống. Tốn 5 chỉ vàng ông mới học được bí quyết nấu hủ tíu gõ.
Mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ chiều, ông Lành lại cùng vợ đẩy xe ra bán đến 11 giờ đêm, sau đó hai vợ chồng đẩy xe đến đoạn đường phía trên bán tiếp đến sáng.
Kế nữa là dọn hàng, đi chợ, nấu nướng đến 12 giờ trưa, rồi mới được đi ngủ đến 4 giờ chiều. Xe ông Lành nằm cận kề các trường đại học Dự bị, cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, ký túc xá đại học Kinh tế… nên khá nhiều sinh viên và người bán vé số là khách hàng quen.
Ông Lành cho biết: “Tui bán giá bình dân, vì sinh viên mà, tụi nó đâu có nhiều tiền”.
Đối mặt với tin đồn, ông Lành cho biết không ảnh hưởng nhiều do mọi người đều đã quen thuộc và “hiểu rõ” nồi nước lèo của ông. “Cả gia đình tui vẫn ăn hủ tíu ngày ba bữa, sao mà bỏ đồ bậy bạ được.
Chắc ai đó thấy bán được nên tung tin đồn”, ông Lành bức xúc. Ông tiết lộ nồi nước lèo của vợ chồng ông ngọt thơm là nhờ xương, thịt, ít đường, bột ngọt. Ông còn kỹ đến mức dùng mía lau nấu thay củ cải trắng vì sợ người bệnh ăn không được.
Nói có sách, mách có chứng, ông mở nắp nồi nước lèo, vớt xương và mía lau cho mọi người coi. Ông khẳng định: “Tui dùng mía lau để đỡ bột ngọt, giúp nước lèo thơm, ngọt hơn. Tui bảo đảm ăn hủ tíu ở đây không bị khát nước”.
Bài và ảnh: Sa Đồng.
Đây là 1 vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp và vô cùng nghiêm trọng đến cả 1 tầng lớp người dân lao động, chính vì vậy Saigonvisa24h rất mong cùng các Bạn đọc chia sẽ bài viết này cùng những nhận định đúng đắn để tất cả mọi người không căm ghét và tẩy chay những người đang kiếm đồng tiền chân chính từ sức lao động của mình.
( “Hủ Tiếu” – Những thứ đã gắn liền với chúng ta trong những khoảng thời gian không thể nào quên trong mảnh đất Sài Gòn này!……)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét