Photobucket
Photobucket

Photobucket Photobucket Photobucket My Pictures

QUICK COMMENT

PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Tâm sự 20/10 ở xóm chạy thận: Xót xa vợ suy thận, chồng đòi ly hôn

Dù mang trong mình căn bệnh phải chạy chữa cả đời nhưng không ít phụ nữ ở xóm chạy thận phải sống cảnh cô đơn vì người chồng đã chối bỏ trách nhiệm.

Với những người sống quanh khu vực phường Bạch Mai thì ngõ 121 - phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) trở nên quá thân thuộc. Người ta vẫn gọi nó với cái tên thân mật nhưng đẫm nước mắt: "xóm chạy thận". Đến đây, phóng viên Emdep.vn đã lắng nghe những câu chuyện buốt lòng về việc mưu sinh, chống chọi bệnh tật và cả những mảnh đời lắm éo le.


Vợ suy thận, chồng "ruồng rẫy"
Cận kề ngày 20/10, "xóm chạy thận" vẫn giữ nhịp sống lặng lẽ như thường ngày, giữa lúc ngoài kia, mọi người đang tất bật với những bông hoa, món quà tặng một nửa của mình. Với những người phụ nữ ở xóm chạy thận, ước mơ lớn nhất của họ chỉ là được khỏe mạnh. Ước mơ dù nhỏ nhưng xa vời ấy càng cứa vào lòng bất cứ ai khi ghé thăm nơi đây.

Điều đáng buồn nơi xóm thận hiu hắt này là số phận long đong, lận đận của những người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ. Trong xóm, có 5 người phụ nữ bị chồng "làm ngơ" khi biết tin phải chạy thận khiến nhiều người xót xa. Sự đau đớn về thể xác và nỗi đau âm ỉ về tinh thần khiến những người phụ nữ nơi đây kiệt quệ. Nhưng vì con cái nên chính họ phải gồng mình để sống. Bởi một khi đã chấp nhận sống chung với căn bệnh này có nghĩa là họ chấp nhận chiến đấu với mọi khó khăn ở phía trước.

Xóm chạy thận xập xệ với những mảnh đời bất hạnh.

Hạnh phúc gia đình không trọn vẹn của những người phụ nữ nơi "xóm chạy thận" khiến ai từng đặt chân đến đây phải rơi nước mắt. Bước vào căn phòng trọ của chị Thuật (Phú Thọ), chúng tôi thấy chị đang tất tả nấu ấm nước chè để chuẩn bị cho việc mưu sinh về đêm. Dù bệnh tật phải chữa trị suốt đời, chạy thận 1 tuần 2 buổi nhưng gương mặt chị luôn nở nụ cười thân thiện, trò chuyện cởi mở nhưng từ sâu thẳm vẫn thoáng thấy trong đôi mắt chị một nỗi đau không kể hết. 


Chị buông lời, ông trời không công bằng với bản thân mình. Chị không hiểu đã làm gì nên tội mà nỡ đày đọa đến vậy. Chị Thuật đã định cư ở "xóm chạy thận" được gần chục năm với tuổi đời chưa bước sang ngũ tuần. 

Chị nhìn ra ngoài khung cửa sổ và nghẹn ngào nói: "Tôi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng được 10 năm thì bị suy thận. Tôi  lên Hà Nội chạy thận được một thời gian thì chồng chán nản và bảo rằng không thể chịu nổi nữa, muốn ra tòa và tìm một hạnh phúc mới. Tôi không có quyền nói gì nên đã gật đầu. Đứa con tôi năm nay đã học lớp 11 rồi, thi thoảng cháu vẫn lên đây thăm mẹ. Thời gian đầu mới biết bệnh, tôi cũng tuyệt  vọng vì mình trở thành gánh nặng của gia đình nhưng sau đó cũng quen. Nỗi đau nguôi ngoai, tôi tiếp tục sống, vì không biết ngày nào sẽ ra đi".


Chị Thuật kể lại chuyện buồn của bản thân.

Bóng dáng người phụ nữ khắc khổ ấy vẫn đêm đêm phải gồng gánh những ấm nước chè kiếm kế mưu sinh. Những đồng tiền ít ỏi ấy cũng chỉ phần nào giúp cho bữa cơm của chị có thêm chút thức ăn lấy sức chạy thận mà thôi. Nghe chuyện của chị và nước mắt lưng tròng trên đôi mắt thâm quầng mà thấy nghẹn đắng. Bởi giữa những lo toan, chị không có chồng để chia sẻ cho bớt nỗi đau và gánh nặng.


Bước sang một dãy trọ ẩm thấp gần đấy, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ sắp bước sang tuổi 55 và lắng nghe lời kể về chuyện đời nhiều đắng cay nhưng vẫn tràn đầy hi vọng cho ngày mai. 

Cô Phạm Thị Minh (Hải Dương) nghẹn ngào khi nhắc đến chuỗi ngày nhiều nước mắt của mình: "Tôi lấy chồng được gần 25 năm và có 3 cô con gái thì phát hiện bệnh suy thận. Lúc đó gia đình vất vả làm ăn để nuôi con nên số tiền trang trải cho "căn bệnh nhà giàu" của tôi dường như là không thế. Đau đớn về thể xác đã đành, chồng tôi còn thẳng thừng đòi ly hôn nhanh chóng. Tôi bị cú sốc tinh thần quá lớn, dù gì cũng sống với nhau mấy chục năm mà. Mới khó khăn một chút, người ta đã đòi dứt áo ra đi. Phận đàn bà, tôi không nói được gì, đành chấp nhận".
Chồng bỏ đi và kiếm tìm một hạnh phúc mới, để lại cho cô 3 đứa con gái. Từ ngày chồng bỏ đi, 4 mẹ con nương tựa vào nhau. Cũng may 3 cô con gái chăm chỉ, hiền lành nên đã có gia đình hạnh phúc. Hiện nay, mọi khoản tiền chữa trị được các con hỗ trợ. Cho nên lòng người mẹ 55 tuổi cũng được an ủi phần nào.

Những người phụ nữ mang trong mình căn bệnh suy thận quái ác và một nỗi đau tinh thần quá lớn, bao nhiêu nước mắt cũng chưa đủ để họ kết hết chuyện đời của mình. Nhưng đằng sau nỗi cơ cực đó là cả một niềm tin và nghị lực rất lớn để mỗi người xác định phải vượt lên chính mình và sống tiếp.


Một người phụ nữ khác xin giấu tên với hình ảnh gương mặt đầy mệt mỏi sau những lần lọc máu gượng cười trò chuyện với chúng tôi. Ngồi trên chiếc giường đã cũ, thân hình gầy guộc, nước da xanh xao, đằng sau con người yếu ớt ấy là nhiều câu chuyện dài, buồn và khiến mọi người rớt nước mắt.

Ngày biết chị bị suy thận, cả nhà lo lắng, bản thân chị cũng hoang mang. Nhưng người chồng của chị thì không mảy may suy nghĩ. Khi cả nhà và chị đang cố sức để chữa trị thì người chồng ấy lại đi cưới một người phụ nữ khác. Từ những ngày đầu tiên đến xóm chạy thận, chị sống trong cô đơn, chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống.

Mưu sinh nơi "xóm chạy thận" nghèo

"Xóm chạy thận" nằm nép mình lặng lẽ giữa những ồn ào, bon chen của Thủ đô với những cái gồng mình đau đớn mà chỉ ai sống ở đây mới thấm thía được. Bởi trong những dãy nhà trọ xập xệ kia, biết bao mảnh đời đang lay lắt đếm cuộc đời bằng ngày, bằng giờ và bằng những lần tất tả ngược xuôi ở khoa Thận (Bệnh viện Bạch Mai).

Trong con ngõ nhỏ, "xóm chạy thận" có 129 bệnh nhân đang cư trú, trong đó có 24 người có lương hưu, còn lại phải tự bươn chải hàng ngày để lo cho cuộc sống và chi phí chữa bệnh. Mọi người nơi xóm thận vẫn gọi căn bệnh họ đang mang trong người đến cuối cuộc đời là "bệnh nhà giàu", vì chính nó đã khiến nhiều gia đình phải điêu đứng. 

Ông Tấn (Xóm trưởng xóm chạy thận) chia sẻ về những con người đang chiến đấu với bệnh tật bằng một giọng điệu trầm buồn: "Năm nào xóm này cũng có thêm thành viên mới. Không ai quen biết ai cả, mọi người cứ phải nương tựa vào nhau mà sống trên mảnh đất xa lạ này. Người cao tuổi nhất của xóm năm nay 79 tuổi, người ít tuổi nhất mới 25 tuổi. Mỗi tuần trung bình 1 người phải tới bệnh viện Bạch Mai lọc máu 3 - 4 lần, nếu có bảo hiểm thì mỗi tuần hết chi phí khoảng 1 triệu đồng, còn nếu không có bảo hiểm thì số tiền điều trị rất lớn...".

Hầu hết, những bệnh nhân nơi xóm chạy thận đều có xuất thân từ nông thôn nên thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông nhờ vào cây lúa, củ khoai. Nỗi sợ hãi đến ngày lọc máu mà không có tiền trang trải in hằn trong đôi mắt mệt mỏi của những con người nơi đây. 
Bệnh nhân chạy thận trong xóm làm tất cả những nghề có thể để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày và chi phí chạy thận. Thanh niên còn ít tuổi làm nghề xe ôm, đánh giày, làm quán ăn, bốc vác… miễn sao kiếm được đồng ra đồng vào.

Anh Hoàng Văn Tuấn (Nam Định) sống ở xóm thận đã 20 năm nay. Vừa mới lấy vợ được một thời gian ngắn, anh Tuấn đổ bệnh và từ đó bắt đầu cuộc sống nhà trọ, xa nhà chữa bệnh. 

"Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho vợ nên đã đề nghị ly hôn coi như một cách giải thoát nhưng vợ tôi không chịu. Sáu năm sau ngày cưới, vợ chồng tôi mới có đứa con gái đầu lòng, bây giờ cháu đang học lớp 2. Tôi làm nhiều nghề lắm. Vì chạy thận ca tối nên ban ngày đi làm kiếm tiền. Thời gian đầu bán trà đá ở cổng trường Đại học Kinh tế, sau đó đi đánh giày và bây giờ là chạy xe ôm"
, anh Tuấn chia sẻ.

Những ấm trà mưu sinh của bệnh nhân chạy thận.

Từ sâu trong khuôn mặt khắc khổ và sự mệt mỏi của căn bệnh suy thận, anh Tuấn phàn nàn, công việc cũng lắm lận đận. Có những hôm may mắn thì kiếm được 100.000 đồng - 200.000 đồng nhưng cũng có hôm không kiếm được gì. Nhớ lại ngày đầu mới lên Thủ đô để chạy thận, anh Tuấn mang trong mình nỗi bi quan tột cùng nhưng thời gian qua đi đã giúp người đàn ông này vững vàng hơn.


Nhìn vào chiếc tủ nhỏ ở góc nhà trọ chật chội, ẩm thấp chứa đầy những gói mì tôm, bột canh ngổn ngang, hỏi ra mới biết đó là thực phẩm của các nhà từ thiện gửi tặng khi tới thăm xóm trọ này. Cuộc sống tạm bợ suốt bao nhiêu năm ở khu trọ với những con người mang trong mình căn bệnh quái ác vẫn trôi qua lặng lẽ như vậy, ngoài kia dòng đời xô bồ nhưng những bệnh nhân xác định phải gắng gượng bước tiếp.

Anh Nguyễn Văn Sơn (28 tuổi) vừa đi đánh giày về tiếp lời: "Từ sáng sớm đến trưa, tôi đã chở mấy bệnh nhân ra bệnh viện chạy thận rồi đi lang lang ở dọc đường Giải Phóng đánh giày kiếm sống. Có hôm kiếm được chút tiền, có hôm thì không được đồng nào. Nếu tính chi li thì ngày nhiều nhất kiếm được 100.000 đồng, sợ nhất là những ngày về tay không".

Gương mặt của người thanh niên chưa bước qua tuổi 30 nhưng đã có 18 năm chống chọi với những ngày chạy thận đầy mệt mỏi sau ngày lao động vất vả. Nhưng dù biết bao khó khăn hằn in trên gương mặt, nhưng tôi vẫn thấy Sơn có những niềm lạc quan dù có thể không nhiều. Bởi hàng ngày, anh vẫn được sống bên cạnh những người cùng cảnh ngộ, có người chia sẻ bớt bao bộn bề lo toan cùng những sợ hãi đối với bệnh tật.

Đó là cánh đàn ông trong xóm chạy thận, còn chị em phụ nữ đa phần là mưu sinh bằng những hàng trà đá nhỏ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Cô Thuật (Phú Thọ) sống trong căn nhà chật chội đang loay hoay bên ấm trà chuẩn bị bán buổi tối, đon đả mời khách lạ vào nhà.
"Một ấm trà cũng chẳng kiếm được bao nhiêu đâu cháu. Mấy chị em đun nước sôi nóng pha loãng chè và mua thêm một ít đá, ai muốn uống lạnh thì cho vào. Vì chi phí bỏ ra cũng không quá nhiều nên không được lãi bao nhiêu, mà bây giờ nhiều người cũng bán trà đá nên khách phân tán lắm. Mỗi ấm trà cũng chỉ lãi được từ 20.000 đồng - 40.000 đồng", 
chị Thuật nói.

Ngày khỏe còn đỡ, những ngày mệt khiến cho nhiều người không đứng dậy nổi nhưng vẫn phải gắng gượng nấu ấm trà đưa đi bán. Thậm chí, tiền bán mỗi buổi tối sau khi trừ các chi phí chỉ được 20.000 đồng - 40.000 đồng nhưng đã phải gọi xe ôm chở đi hết 10.000 đồng. 


Gặp gỡ với cô Oanh (quê Hải Dương, đã chạy thận được 5 năm ở Bệnh viện Bạch Mai) trong lúc người phụ nữ này đang loay hoay với nồi cơm trong căn phòng nhỏ. Cô tâm sự: "Như cháu thấy đấy, xóm trọ này nhiều bệnh nhân nhưng vắng tanh, dù điều trị bệnh nhưng ai cũng phải bươn chải kiếm thêm thu nhập để đỡ tiền viện phí. Cách đây mấy tháng, có một anh vì gia đình nghèo khó, không có đủ tiền chạy chữa, anh không đủ can đảm để sống tiếp vì sợ làm gánh nặng cho vợ con nên đã nhảy từ tầng 5 của bệnh viện Bạch Mai. Xót lắm, thương lắm..."
Lặng lẽ nhìn ra phía ngoài khung cửa sổ, một không khí u ám bao trùm lên, phải chăng vì mùa thu gợi buồn hay vì nơi đây có quá nhiều thứ khiến con người bận lòng. Phóng viên chăm chăm nhìn vào chiếc giường đơn ở phòng cô Oanh, trái tim nghẹn lại khi bắt gặp những gói mì tôm nằm ngổn ngang. 


Như hiểu ý tôi, cô Oanh giải thích: "Đó là mì tôm của nhà tài trợ mỗi lần đến đây thăm xóm trọ. Người bị bệnh thận ăn ít lắm, vì ăn nhiều lại bị nôn hết. Mỗi ngày nấu một lần để ăn cả ngày luôn. Những lúc đi chạy thận ở bệnh viện về, nhìn thấy thức ăn là buồn nôn nhưng vẫn phải cố nuốt, không thì kiệt quệ mất cháu à".

Lặng lẽ nhìn những con người sống chết không hẹn ngày lay lắt bươn chải quanh năm suốt tháng mà nghẹn đắng. Những bình trà đá đêm khuya, những chiếc giày vừa mới đánh xong, những chuyến xe ôm... phần nào đỡ đần được cho cuộc sống đấu tranh với tử thần hằng ngày của họ.

Chia tay xóm thận, chợt thấy lòng mình nặng nề hơn khi trong đầu luôn hiện lên hình ảnh khắc khổ của những con người sống một đời lay lắt nơi xóm nghèo. Dù tương lai là một dấu chấm hỏi đối với họ nhưng xã hội vẫn không bỏ rơi họ, vẫn luôn bên họ khi họ khó khăn nhất. Đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất đối với bệnh nhân nơi đây.

Bài, ảnh: Phong Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét