Photobucket
Photobucket

Photobucket Photobucket Photobucket My Pictures

QUICK COMMENT

PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

72 giờ vật lộn giành sự sống giữa biển lạnh và cá mập

4 năm sau trận bão cướp đi đứa con trai yêu dấu, nỗi đau mất mát trong vợ chồng ông To cũng dần nguôi ngoai. Ông bà thầm cầu nguyện cho con được bình yên, hạnh phúc ở thế giới bên kia. Nhưng cái chết của anh Trí bỗng đảo ngược 180 độ khi vào một đêm mưa gió, anh trở về với bộ quần áo đen ướt nhẹp làm đấng sinh thành vừa nhìn thấy đã quỳ sụp xuống vái lạy.


Anh Dương Minh Trí kể lại cuộc chống chọi với cơn bão dữ giữa biển khơi.

Ngỡ con “hiện hồn” về trong đêm mưa gió

Đó là cái đêm mà cả gia đình ông To và những người hàng xóm xung quanh đều không thể nào quên được. Cái đêm mà anh Trí trở về, chỉ vài ngày sau đám giỗ lần thứ 4 của anh. Ông To kể lại: “Hôm ấy đã khuya lắm rồi, trời lại mưa gió. Vợ chồng chúng tôi đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng gõ cửa cùng tiếng gọi “Bố ơi, mẹ ơi…”. Chúng tôi cứ nghĩ là nghe nhầm bởi con cái đều đi làm xa hết cả, không thể có chuyện về mà không báo trước cho bố mẹ được. Thế nhưng tiếng gõ cửa và tiếng gọi mỗi lúc một lớn. Tôi ra mở cửa. Là Trí, nó mặc bộ quần áo đen từ đầu đến chân, toàn thân ướt sũng. Quá bất ngờ và hoảng hốt, vợ chồng tôi liền quỳ xuống chắp tay vái lạy. Tôi cứ nghĩ rằng con còn điều gì oan ức hay có gì muốn nói với bố mẹ nên “hiện hồn” trở về. Chúng tôi không biết nói gì, chỉ chắp tay khấn vái. Tính chất công việc yêu cầu tôi thường xuyên phải tiếp xúc với xác người chết. Thế nhưng vào lúc thấy “hồn” thằng con hiện về, cả người tôi lại run lên bần bật”.

Anh Trí phải mất một lúc lâu động viên, giải thích thì vợ chồng ông To mới tin được cậu con trai út vẫn còn sống. Vậy là cả nhà ôm nhau khóc nức nở. Tiếng khóc đã đánh động bà con chòm xóm. Ai cũng phải lại gần, nắm tay thật chặt, sờ khắp mặt mũi anh Trí để biết chắc đó không phải một hồn ma. “Tôi không thể nào ngờ cái chết của con lại là một sự nhầm lẫn. Cái xác đó cũng đeo một chiếc vòng inox ở cổ tay và cũng có vết sẹo ở đầu gối chân bên phải. Với những sự trùng hợp đó, tôi đã hoàn toàn tin đó là thằng Trí”, ông To bồi hồi nhớ lại. Đêm hôm ấy, gia đình ông To và những người hàng xóm đã thức tới sáng để nghe anh Trí kể lại hành trình sống sót kỳ diệu của mình.

Anh Trí kể, buổi sáng hôm ấy (ngày con thuyền bị cơn bão đánh chìm – PV), anh cùng một số người thanh niên khác chuẩn bị đồ nghề cho mẻ lưới đầu tiên. Mặc dù đã được cảnh báo trước rằng đây là một cơn bão lớn với diễn biến vô cùng phức tạp, các con tàu đánh cá đều lần lượt trở về đất liền nhưng anh Trí vẫn nghĩ nó chỉ giống như những cơn bão lớn khác mà anh từng trải qua. Vậy là anh cùng mọi người vẫn tiến hành công việc theo đúng kế hoạch. “Trên con tàu hôm đó có 7 người. Sau khi kéo mẻ lưới đầu tiên, chúng tôi đang nghỉ ngơi chuẩn bị ăn cơm thì mọi người trên đất liền báo là đang có bão lớn bất thường. Để an toàn, chúng tôi quyết định quay về bờ sớm hơn dự định. Thường thì mỗi một chuyến ra khơi của chúng tôi thường kéo dài nửa tháng, ngày đó mới là ngày thứ 12. Tuy nhiên, lúc con tàu đang quay đầu trở về thì một cơn gió lốc kéo đến khiến chúng tôi bị mất phương hướng. Chưa kịp định hình thì những đợt sóng mạnh liên tiếp đập vào thành tàu. Tất cả chúng tôi – vốn là những người nhiều năm kinh nghiệm sông nước nhưng lúc ấy đều trở nên hoảng loạn. Tôi cũng không thể ngờ sóng lại mạnh như vậy. Bao nhiêu năm ngoài biển cả thì đây là cơn bão mạnh nhất tôi từng được chứng kiến. Con tàu của chúng tôi bắt đầu nứt toác, rồi vỡ ra từng mảng, nhanh chóng bị nước biển nhấn chìm”, anh Trí kể.

Bản năng sinh tồn mạnh mẽ

Con tàu chìm hẳn xuống, anh Trí không còn nhìn thấy những người đồng nghiệp đâu nữa. Khi đó, anh chỉ biết vùng vẫy trên dòng nước biển với những đợt sóng dữ dội. Một chàng trai lực lưỡng, khỏe mạnh như anh giờ đây trở nên quá nhỏ bé trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trong cơn hoảng loạn, anh quờ quạng khắp nơi, cố gắng tìm được thứ gì đó để bấu víu. Anh may mắn bám được vào một miếng gỗ đoán là mảnh vỡ từ cái thùng ướp lạnh. Anh không vùng vẫy thêm nữa, chỉ biết ôm thật chặt miếng gỗ đó, chờ cho cơn bão yếu đi.

Con thuyền bị cơn bão Linda quật tan nát 

Cuộc chống chọi trước đó đã khiến chàng thanh niên kiệt sức. Anh ôm thật chặt miếng gỗ, để mặc cho những đợt sóng mạnh và gió lốc cuốn lấy, quăng quật. Cuối cùng, cơn bão cũng yếu dần đi, gió ngớt, biển lặng nhưng anh Trí vẫn chìm trong nỗi tuyệt vọng. Xung quanh anh giờ đây là biển cả mênh mông. Anh đã hoàn toàn bị mất phương hướng, cũng không xác định được không gian và thời gian. Anh nhớ lại: “Khi bám được vào mảnh gỗ, tôi cũng không hy vọng có thể sống sót, nghĩ chắc kiểu gì cũng sẽ chết trong dòng nước biển. Thế nhưng khi đối mặt với cái chết thì bản năng sinh tồn lại trỗi dậy, tôi vẫn cố gắng cầm cự. Rồi cơn bão đi qua, tôi không biết mình sẽ về đâu khi mà xung quanh hoàn toàn không có gì ngoài biển cả. Từ đêm tới sáng rồi từ sáng đến khi màn đêm buông xuống, tôi để mặc cho dòng nước biển cuốn đi. Tôi cũng không thấy có bất cứ con tàu nào để cầu cứu”.

“Giữa biển cả, ngoài cái lạnh, cái đói và sự mệt mỏi, tôi cũng hai lần tưởng mình sẽ chết khi nhìn thấy vây cá mập bơi cách xa chỉ vài trăm mét. Nhưng rất may, khi tôi lo sợ điều tồi tệ nhất xảy đến thì con quái vật biển khơi lại quay đầu bơi đi”, anh Trí kể lại đầy lo sợ. Lênh đênh trên biển cả mênh mông, anh Trí không còn xác định được thời gian. Nhưng anh dự đoán có lẽ mình đã “bơi” trên biển khoảng 3 ngày (tức hơn 70 giờ đồng hồ - PV). Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đã đến khi anh bất ngờ trông thấy một con tàu đang tiến đến. Anh cố gắng gượng, lấy hết sức mình hét lên thật to, vẫy tay cao ra hiệu cầu cứu. Những người trên tàu đã nhìn thấy anh, họ lại gần và tìm cách đưa anh lên tàu. Ngay sau khi được đưa lên tàu, anh liền ngất đi không còn biết gì nữa.

Khi tỉnh dậy, anh nhận ra mình đang ở trong một căn bếp. Trên người anh được cuốn một chiếc chăn dày, nằm trên chiếc ghế cạnh cái bếp lửa đang cháy đỏ rực. Sau đó, một bà lão lại gần đưa anh một bát cháo loãng. Cho đến khi bà lão nói một thứ tiếng rất lạ, anh mới biết mình đã lạc sang một nơi xa lạ. Thấy anh vẫn chưa hết ngơ ngác, bà lão không nói nữa chỉ ra hiệu bảo anh ăn cháo. “Tôi cứ nghĩ là mình đã chết rồi. Bởi mọi thứ xung quanh đều hết sức lạ lẫm. Tôi chỉ nhớ mang máng mình được người ta vớt lên một con tàu, phải chăng chỉ là giấc mơ? Một hồi lâu tôi mới đoán bà lão kia nói tiếng Thái Lan. Thì ra dòng nước biển đã cuốn tôi sang hải phận nước này. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, tôi kiệt sức, nằm một chỗ mấy ngày liền. Bà lão nấu cháo cho tôi ăn, chăm sóc tôi hết sức chu đáo. Mặc dù không hiểu được những gì bà nói nhưng tôi biết bà chính là ân nhân cứu mạng. Việc đầu tiên tôi có thể làm được sau khi có chút sức lực trong người là quỳ xuống cạnh bà để tỏ lòng biết ơn”, anh Trí hồi tưởng.

Nhờ có ân nhân đùm bọc, chăm sóc vô điều kiện, sức khỏe anh Trí dần ổn định trở lại. Anh định ngay lập tức tìm đường trở về nhà nhưng chợt nhận ra mình không có tiền, cũng không có bất cứ giấy tờ tùy thân gì. Hiểu được suy nghĩ của anh Trí, bà Sem (tên bà lão chăm sóc anh Trí - PV) ra hiệu anh có thể ở lại trong căn nhà này, từ từ rồi tìm cách về nhà. Rồi những ngày sau đó, anh học để làm tốt những việc tưởng chừng như không thể. Anh có thể nói tiếng Thái, ăn đồ Thái, quen với cuộc sống nơi đất khách quê người. Dường như, anh đã được sinh ra một lần nữa. Điều mà anh không thể ngờ được nhất đó là sau 4 năm sinh sống tại một nơi xa lạ, anh lại có thể quay trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, hội ngộ cùng gia đình, để kể lại cuộc hành trình li kì như một giấc mơ này.    

Nhớ về trận bão kinh hoàng năm nào khiến mình suýt bỏ mạng, anh Trí vẫn còn bủn rủn chân tay. Anh cho biết: “Tôi và anh Triều (anh trai anh Trí - PV) ngay từ nhỏ đã được bố cho làm quen với môi trường sông nước. Cũng vì tình yêu với sông nước mà sau này lớn lên, tôi và anh xin phép bố được ra biển làm nghề đánh bắt cá xa bờ. Suốt bao năm làm công việc này, chúng tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Nhiều tình huống khó khăn xảy ra, tôi đều có thể bình tĩnh xử trí. Nhưng chuyến ra khơi vào đúng ngày cơn bão Linda đổ về là chuyến đi đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng khiến tôi không thể nào kiểm soát được tình thế”.

Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét