Photobucket
Photobucket

Photobucket Photobucket Photobucket My Pictures

QUICK COMMENT

PhotobucketPhotobucket GUESTBOOK PhotobucketPhotobucket

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Chuyện của những người bắt được ‘cục vàng’… biết đi

Người dân vùng A Lưới ví con rùa vàng như ‘cục vàng biết đi’, bởi chúng có giá trị cả trăm triệu đồng.
Nghi kỵ nhau

Câu chuyện con rùa vàng đối với bà Kăn Phiêng (thôn 2, xã Bắc Sơn A Lưới, TT- Huế) đã trở thành ký ức không mấy đẹp đẽ.

Nhà Kăn Phiêng vốn không phải giàu có ở Bắc Sơn. Bà cùng chồng là ông Lê Hồng Mạnh làm quần quật quanh năm cũng không đủ nuôi mấy người con ăn học. Ngồi nhắc lại chuyện tìm được rùa vàng, lúc đầu Kăn Phiêng còn e dè bởi như bà nói, kể ra làm gì khi mà vì nó gia đình bà chia lìa, mất đoàn kết, không tin tưởng nhau giữa mẹ và con.

Cả thảy Kăn Phiêng bắt được 3 con rùa vàng. Ruộng nương trước nhà, Kăn Phiêng mang "a chói" (gùi) trỉa cấy quanh năm. 

Rùa vàng. 

Một ngày đầu mùa lúa rẫy năm 1990, Kăn Phiêng đi làm cỏ cho rẫy ngô trước nhà thì phát hiện ở chân ruộng gần khe suối một con rùa vàng bằng bàn tay. Cứ tưởng như rùa thường, Kăn Phiêng mang bỏ vào a chói rồi quên phéng đi.

Về nhà, Kăn Phiêng nói với ông Mạnh có bắt được con vật màu hơi vàng, định mang đi làm thịt. Chồng Kăn Phiêng thấy màu sắc còn rùa lạ, nghĩ chắc là rùa quý liền mang xuống thị trấn A Lưới đổi gạo.

Suốt đường đi qua các bản làng, ông Mạnh rao bán chẳng có ai mua bởi đồng bào nơi đây nào có biết rùa vàng là con vật chi. Về các đại lý buôn bán hàng tươi sống, mặc cả mãi, ông Mạnh đổi được chiếc áo ấm Pilot của Mỹ. “Có chiếc áo nớ hồi đó là một gia tài chú à. Mình nghĩ bắt được rùa vàng, đổi được áo quý là may mắn lắm rồi”, ông Mạnh nói.

Câu chuyện bắt được rùa vàng, đổi áo hồi đó dân bản Bắc Sơn cũng lãng quên đi, như tập quán của đồng bào nơi đây, khi bắt được thú rừng thường mang xuống phố đổi gạo mà thôi.

Gia đình ông Lê Hồng Mạnh và Kăn Phiêng kể lại chuyện bắt được rùa vàng 

Bẵng đi một thời gian, năm 2013, Kăn Phiêng lên rẫy hai lần, lại bắt được 2 con rùa vàng trọng lượng chừng 600 - 800 gam. Biết lần này bắt được rùa quý, Kăn Phiêng cẩn thận bỏ vào "a chói" rồi lấy lá chuối đậy lại. 

Về nhà, bà bàn cùng chồng mang xuống đại lý thu mua hàng tươi sống của ông Mít ở Bốt Đỏ để bán. Nhưng cả đời không ra khỏi bản, chẳng biết mua bán rùa vàng trả giá thế nào nên Kăn Phiêng đành nhờ con trai cả là Lê Văn Quang mang đi bán, cả hai con rùa vàng bán được 185 triệu đồng.

Kăn Phiêng tâm sự: “Đó là con mình nói thế. Nó mang về bán, ngã giá bao nhiêu ai mà biết. Nó đưa mình tiền, mình cứ lấy. Sau rồi nghe bà con dân bản lời ra tiếng vào. Họ nói hai con rùa vàng sao lại bán với giá thấp thế. Một con cả vài trăm triệu đồng rồi”.

Không biết câu chuyện bà Kăn Phiêng nói thực hư thế nào nhưng ngày anh con trai cả Lê Văn Quang bán được rùa mang tiền về nhà, anh con trai út Lê Văn Linh “bắt được bài” nên ra điều kiện phải mua xe Sirius cho mình, không thì nói ra sự thật về giá cả rùa vàng. Hãi quá, Quang đành xuống phố tậu luôn chiếc Sirius còn mới cóng, đặt ngay trước sân nhà Linh.

“Vì bắt được rùa vàng, gia đình có nhiều mâu thuẫn”, Kăn Phiêng nói 

Biết được chuyện, Kăn Phiêng buồn lắm! Buồn vì mình bị con cái lừa, buồn vì mấy con rùa vàng mang lại “tai ương” khiến gia đình bà nghi kỵ, anh em không tin tưởng nhau.

Gần đây nhất, ông Mạnh cũng bắt được một ổ rùa vàng có hai trứng nhưng ông Mạnh giấu biệt các con, sợ chúng tranh giành. Kăn Phiêng ở nhà không biết lại mang trứng đi… luộc ăn mất. Kể từ đó, ông Mạnh bảo xem như may mắn đã hết với gia đình mình rồi, giờ chỉ mong làm ăn, không còn chờ bắt được rùa vàng nữa.

Ông Mạnh tâm sự: “Bắt được rùa vàng, tui xuống phố mua két sắt về nhà cất tiền. Hai mẹ con nó thấy của nhiều, tiêu dần tiêu hồi, giờ chỉ “chừa” lại cho tui cái két sắt trống rỗng đây”. Ông Mạnh vừa nói vừa chạy vào buồng vén màn, chỉ tay lên cái két sắt đã hoen gỉ.

Kiệt quệ cũng vì rùa

Rùa vàng (hay rùa hộp ba vạch), có tên khoa
học là Cuora Trifasciata phân bố nhiều ở vùng núi rừng Trường Sơn. Từ
cuối thập kỷ 1980, rùa vàng được cư dân miền núi lùng bắt nhiều để cung
cấp cho thương lái Trung Quốc. Rùa vàng thuộc nhóm 1B, do bị săn bắt ráo
riết nên loài này đang bị đe dọa tại núi rừng Việt Nam.

Khe Tàn Dư (gần Thủy điện A Lin, xã Hồng Trung), một thời được xem là “thánh địa” của rùa vàng, đã làm thay đổi bao cuộc đời của đồng bào sống ven vùng đất này.

Có người bắt được rùa xây nhà cửa, tậu xe, mang tiền đi gửi ngân hàng, nhưng cũng có người khi có tiền thì tặc lưỡi cứ tiêu phá rồi hy vọng bắt lại được con khác. Đến khi gia đình khánh kiệt, bệnh tật, cái chết cũng cận kề.

Hỏi câu chuyện bắt được rùa vàng, người dân thôn Đụt, xã Hồng Trung, không ai lại không biết đến bà Kăn Im (81 tuổi). Bà được xem là người bắt được nhiều rùa vàng nhất xứ Hồng Trung, trên 30 con.

Rùa vàng được bà Kăn Im tìm thấy tận những năm 80 thế kỷ trước. Khi mà vùng đất gần khe Tàn Dư còn hoang sơ, máy móc của thủy điện chưa gầm rú phá tan núi rừng.

Kăn Im kể: “Hồi đó, đi dọc con suối Tàn Dư chập choạng tối, cứ vài tháng tui lại bắt được rùa vàng. Mà hồi đó, họ mua một con vài trăm nghìn đồng cũng là to lắm rồi. Nhờ số tiền đó tui dựng được nhà. Khi có tiền rồi con cái cũng không còn chịu khó làm ăn như trước. Chúng mang đi ăn chơi hết, cuối cùng chỉ còn lại căn nhà ni thôi".

“Tiền tiêu hết, chỉ còn cái két sắt không”, ông Mạnh cho biết 

Gần đây nhất, đầu năm 2014, Kăn Im cùng con trai là Hồ Văn Im cũng đi dọc khe Tàn Dư kiếm rùa vàng. Đi cả ngày không tìm được chú rùa nào. Đến chập tối, hết lương thực, hai mẹ con lủi thủi ra khỏi rừng thì chân anh Im đụng phải thứ gì ngọ nguậy. Pha ánh đèn pin, Im giật mình khi phát hiện con rùa vàng chừng 500g.

Ngay sáng hôm sau, anh Im đón xe thẳng xuống thị trấn bán được 60 triệu đồng. Số tiền đó anh dành mua xe tay ga và làm lễ vật cúng, mời bà con ăn uống. Chỉ ra chiếc xe máy giữa sân, Hồ Văn Im bảo: “Đường bản xấu quá, xe mới mua hơn nửa năm mà chạy nát cả rồi. Giờ tiền xăng cũng không có đổ mà chạy nữa”.

Kể từ hôm bắt được rùa vàng, Im xuống nhà người quen dưới Bắc Sơn, học cách bắt rùa vàng rồi lên khe Tàn Dư ăn ngủ ngày đêm trên đó mong tìm kiếm được vận may.

Dẫn chúng tôi đi xem bẫy rùa vàng, Im giải thích: “Mình đào một cái hố chừng 30 - 40 cm, cắm một cái que ở giữa để đỡ chiếc lá môn, lá chuối lên trên. Dùng miếng thịt bò để thối trên lá, rùa vàng thường đi ăn ban đêm, chúng ra khỏi hang, bị nhử bởi mùi thịt thối đặt trên lá. Khi bò trên lá ăn mồi liền bị “sập bẫy”. Rùa rớt xuống hố cứ trèo lên là ngã, không thoát đâu được".

Hồ Văn Im kể lại chuyện bán rùa vàng, mua xe máy 
Hồ Văn Im chỉ cách bắt rùa vàng ở khe Tàn Dư 

Nói đoạn, Im có vẻ tâm đắc với bẫy của mình. Hỏi ra, từ khi bắt được rùa vàng ở khe Tàn Dư, Im làm đã mấy chục cái bẫy mà vẫn chưa bắt được con nào. Suốt ngày không làm gì trên ruộng nương cả, chỉ ngồi đặt bẫy, lùng bắt rùa vàng.

Câu chuyện rùa vàng còn chua chát hơn với gia đình ông Hồ Văn Phúc và bà Kăn Diếp (thôn A Riêng, xã Hồng Trung).

Năm 2012, ông Phúc đi dọc Thủy điện A Lin, bắt được con rùa vàng chừng gần 1kg, bán cho đại lý tên Đông (thị trấn A Lưới) được gần 500 triệu đồng. Ông Phúc mua xe Attila, cho bà con đằng ngoại, nội một ít. Phần lớn tiền còn lại ông đổ vào rượu bia. Đến khi đau ốm, Kăn Diếp không có tiền chạy chữa cho chồng.

“Hắn (ông Phúc) đau gan, nằm mấy tháng trời, không có tiền chạy chữa nên đành chịu chết", bà Diếp buồn bã kể.
yahoo.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét