Trước khi hành quyết một tử tù, Ba Son được trại giam thông báo để đào
huyệt. Khi tràng đạn khô lạnh vừa dứt, tử tù gục xuống, Ba Son mang họ
đi chôn.
Trường bắn Long Bình (quận 9, TP HCM) từ lâu được xem là nghĩa địa hắc ám với người phạm tội. Đó là nơi dừng
chân cuối cùng của những tử tù từng "đội trời đạp đất" như Năm Cam, Phước ''Tám ngón'', Epco Tăng Minh Phụng…
Những ngôi mộ nhỏ nhắn nằm khuất dưới lớp cỏ lau rậm rịt, tấm bia ghi
vài dòng ngắn ngủi tên, quê quán, ngày xử bắn. Những câu chuyện rùng rợn
về tử khí vong hồn, những con người bám vào xác chết
để sống qua lời kể của phu mộ khét tiếng Ba Son cho thấy người sống không chừa nơi nào kiếm sống.
Phu mộ một thời Ba Son
Không phải ai cũng dũng cảm làm phu mộ. Ba Son là cái tên được điểm
mặt duy nhất cho công việc này bởi được biết đến là người có máu liều,
có thâm niên "lăn xả" chốn giang hồ đao kiếm. Nhận lời mời
làm phu mộ, Ba Son gật đầu dù một tháng người ta trả cho ông vài trăm nghìn đồng.
Từ đầu năm 1990, Ba Son chính thức nhúng tay vào làm nghề phu mộ tại
trường bắn. Trường bắn Long Bình có từ năm 1976, khi Ba Son về đã có
hàng trăm ngôi mộ tử tù nằm hoang lạnh trong đám cỏ lau, có ngôi mất dấu do mưa dập nắng vùi. Một mình không thể cáng đáng nổi
việc đào huyệt, chôn cất, Ba Son chiêu mộ thêm vài đàn em bặm trợn, đầu gấu tham gia đội quân.
Trước khi hành quyết một tử tù, Ba Son được trại giam thông báo đầu tiên để đào huyệt. Ba Son đứng phía xa, khi chàng đạn khô lạnh vừa dứt, tử tù
gục xuống là hình
ảnh cuối cùng của một con người chấm hết. "Ngoài đời, có người xưng
hùng xưng bá, có người từng ngồi chễm chệ trên cao chót vót quyền lực
nhưng khi chết đều lặng lẽ. Chưa hết, linh hồn vẫn là kẻ
phạm tội muôn kiếp. Cái giá quá đắt cho một phút lầm lỡ", Ba Son nói.
Ba Son cầm địa chỉ đến gõ cửa từng gia đình đến nhận xác người thân.
Gặp gia đình không tin rằng người thân mình đã chết, họ yêu cầu Ba Son
bốc xác lên. Khi nhận dạng đúng mới đồng ý lấy xác về.
Gia đình nào ở xa không có điều kiện, họ nhờ ông bốc xác lên tắm rửa
thay đồ rồi chôn lại và xây mộ dựng bia. Đó là chuyện thường ngày của phu mộ Ba Son.
Ba Son với danh phận phu mộ chính của trường bắn,
việc bốc mộ, chăm sóc mộ người ta không trả tiền ông vẫn làm. Tên tuổi
Ba Son vọng ra tận miền Bắc, miền Trung rồi cả nước ngoài.
Gia đình nào có nguyện vọng chăm sóc hoặc bốc mộ đều tìm đến ông. Tùy
vào lòng hảo tâm và cách trả nghĩa mà họ chung chi tiền bồi dưỡng. Ba
Son bảo đâu phải gia đình tử tù nào cũng khá giả, trừ
những tử tù trong vụ án kinh tế lớn như Epco Minh Phụng, Tamexco, Năm Cam… còn hầu hết lấy đâu ra tiền mà chung chi thù lao.
Có người mẹ ở Vũng Tàu lên thăm mộ con mà trong túi chỉ có 300.000
đồng lộ phí. Không có tiền bốc mộ, bà thắp hương cho con xong quay sang
nhờ Ba Son trông nom phần mộ giúp rồi dúi hết số
tiền trong túi vào tay ông. Ba Son trả lại tiền và hứa danh dự rằng sẽ
giúp bốc mộ đưa về tận quê nhà cho bà. Nói là làm, một tuần sau, tro
cốt tử tù được Ba Son mang xuống Vũng
Tàu trao tận tay người mẹ. Thấy cảnh nhà tang thương nghèo nàn quá, ông dúi vội vài chục nghìn đồng cuối cùng rồi quay ra về.
Nguyễn Văn Tiến tự Tiến ''Thối'' ở quận Gò Vấp (TP HCM) thụ án về tội
Giết người. Ba Son đi tìm gia đình Tiến ''Thối'' mấy ngày trời vì địa
chỉ ghi trong bản hồ sơ nay đã thay chủ. Ba Son bảo làm
cái nghề này linh thiêng, ít nhất là với bản thân ông. Đang hoang
mang, tuyệt vọng thì có người đàn ông nhà kế bên gia đình cũ của Tiến
biết rõ về tung tích hiện tại của người thân Tiến. Những
trường hợp ấy có thể do trùng hợp, hy hữu nhưng riêng với Ba Son, ông
tin rằng, những vong hồn tử tù đã phù hộ cho công việc của ông.
Theo Ba Son, tử khí của những nấm mồ trong trường bắn mạnh đến nỗi, nhiều người không dám bước chân vào để thắp một nén nhang cho người thân, họ phải nhờ ông. Tử khí mạnh nhất từ
bao năm nay vẫn là phần mộ của tướng cướp Phước ''Tám ngón''.
Ngày Phước ra pháp trường, sau khi hưởng viên đạn ân huệ cuối cùng,
chính tay Ba Son đưa Phước đi chôn. Cái cảm giác đầu tiên tiếp cận thi
thể Phước, Ba Son thấy lạ. Tử khí nặng kéo rũ bàn chân ông
lại, bước đi không nổi. Lê cố đến phần huyệt, khi vừa đưa xác Phước
xuống thì đội phu mộ người chóng mặt, người buồn nôn, khó thở. Họ phải
tạm ngưng việc chôn cất, lấy bát hương khấn vái mới hoàn
thành được công việc. Trong đời Ba Son, đó là nhân vật gây ám ảnh lớn
và để lại những suy nghĩ khó lý giải nhất về thế giới tâm linh.
Lời đồn linh thiêng về phần mộ Phước Tám ngón nhanh chóng lan xa, cư
dân mê muội đỏ đen từ khắp nơi ùn ùn kéo đến cầu cơ xin số. Không biết
tỷ lệ trúng số trúng đề là bao nhưng lượng người vẫn
không ngừng đổ về trường bắn Long Bình. Họ đi theo
đoàn, đi bằng ôtô và chủ yếu đi trong đêm. Vì sợ nhà chức trách phát
hiện đuổi đi nên dòng người xin số âm thầm rẽ cỏ, vén gai mò
trúng phần mộ Phước Tám ngón thắp hương khấn lạy.
Ba Son bảo cũng đã nhiều lần thử vận may đổi đời bằng kiểu đó, nhưng
chơi đến rỗng túi cũng chả bao giờ trúng dù là giải "an ủi". Việc cầu cơ
xin số ngày một hỗn tạp, bát nháo, chính quyền địa
phương đã phải cử người bảo vệ, ngăn chặn và cấm hoạt động mê tín dị
đoan tại đây.
Tướng cướp Phước "Tám ngón" khi còn sống từng tung hoành ngang dọc,
gây ra biết bao tội ác, là tên tội phạm duy nhất tẩu thoát khỏi trại Chí
Hòa. Hắn đền tội tại Long Bình, suốt thời gian dài nằm
cô quạnh, lẻ loi ở một góc. Vợ con người thân không thấy ai đến thắp
nhang.
Rít một hơi thuốc thật dài, Ba Son bảo: "Hắn là tướng cướp cô độc
và bất hạnh nhất, tôi thấy thương cho hắn". Nhiều năm
nằm hoang lạnh như thế, Phước "Tám ngón" được Ba Son đã bỏ tiền túi ra
bốc mộ, đưa tro lên chùa gửi, hy vọng vào một ngày nào đó sẽ trao tận
tay cho người thân của Phước mà không lấy một đồng thù
lao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét